Về lý thuyết, 2 cái tên kể trên là sự bổ sung cần thiết, chất lượng nhằm tạo ra sự cân bằng và ổn định cho “Quỷ đỏ” trong bối cảnh hàng công phập phù, hàng thủ lỏng lẻo.
 
Đẳng cấp của Edinson Cavani là không phải bàn cãi. Tiền đạo người Urugoay đã ghi 341 bàn ở cấp CLB kể từ khi chuyển tới châu Âu chơi bóng vào năm 2007, trong đó có 200 bàn/301 trận khoác áo PSG. Đầu tháng 6-2020, Cavani trở thành cầu thủ tự do sau khi chia tay nhà vô địch Ligue I sau 7 năm gắn bó với vị thế là chân sút vĩ đại nhất lịch sử đội bóng.
 
Trong quá khứ, Henrik Larsson, Zlatan Ibrahimovic là những cầu thủ chuyển đến MU khi đã bước qua tuổi “băm” và đều để lại dấu ấn cả về chuyên môn lẫn thành tích. Vì vậy, Cavani năm nay 33 tuổi, được kỳ vọng sẽ lặp lại thành công của các bậc đàn anh.
 
 
Chính Ibrahimovic khi biết tin người đồng đội cũ - một thời từng như nước với lửa ở PSG, chuyển tới MU, đã nhận định: “Edinson sẽ đem tới nguồn năng lượng, khả năng lãnh đạo, tinh thần chiến đấu vào đội hình. Nhưng quan trọng nhất, anh ấy sẽ đem lại những bàn thắng”.
 
Còn với Alex Telles, bản CV của hậu vệ trái người Brazil đủ sức thuyết phục bất cứ “ông lớn” nào ở châu Âu. Telles từng khoác áo Gremio, Galatasaray, Inter Milan trước khi cập bến Porto vào mùa hè 2016 và cùng đội bóng này giành 2 chức Vô địch quốc gia Bồ Đào Nha. Đáng chú ý, là một hậu vệ song ở mùa giải trước, Telles đã ghi tới 13 bàn thắng ở mọi đấu trường.
 
Hậu vệ năm nay 27 tuổi từng được bầu chọn là hậu vệ trái hay nhất Brazil (năm 2013), 2 lần lọt vào đội hình tiêu biểu giải Vô địch quốc gia Bồ Đào Nha và nhận danh hiệu “Cầu thủ xuất sắc nhất Porto” năm 2018.
 
Thế nhưng, thực tế cho thấy “Nhà hát của những giấc mơ” chưa bao giờ là “miền đất hứa” của các cầu thủ Nam Mỹ - từ những cầu thủ đã thành danh đến những cầu thủ ở dạng tiềm năng.
 
Trong quá khứ, đồng hương của Cavani là Diego Forlan từng “sa lầy” ở Old Trafford từ năm 2002 đến 2004 và phải “tháo chạy” sang Tây Ban Nha để làm lại sự nghiệp.
 
Đến Old Trafford với tư cách là nhà Vô địch thế giới, thế nhưng trong 2 năm chơi bóng tại đây (2003-2005), sự nghiệp của tiền vệ tài năng người Brazil Kleberson nhanh chóng bị chôn vùi.
 
Trường hợp của anh em nhà Silva: Rafael và Fabio - những người được kỳ vọng sẽ thay thế cho anh em nhà Neville, nhưng rốt cuộc người thì chỉ thi đấu tròn vai, người thì bị đẩy đi theo dạng cho mượn rồi mất hút sau đó.
 
Radamel Falcao là “Mãnh hổ” khi thi đấu ở Monaco, Porto và Atletico, nhưng khi được MU mượn về thi đấu trong mùa giải 2014-2015 thì biến thành một chú mèo... vô hại.
 
Juan Sebastian Veron được xưng tụng là “Phù thủy” ở Lazio, đến Old Trafford với bản hợp đồng kỷ lục 24,3 triệu bảng vào năm 2001. Sau 2 mùa giải với 11 bàn thắng, tiền vệ người Argentina cũng phải khăn gói ra đi trong nỗi thất vọng.
 
Được trao chiếc áo số 7 huyền thoại, Angel di Maria đến Old Trafford trong sự kỳ vọng lớn lao của người hâm mộ. Tuy nhiên, sau những trận đấu thăng hoa giai đoạn đầu, “Thiên thần” trở nên lạc lõng trong môi trường bóng đá mới và bị bán đi chỉ sau một mùa giải.
 
Tương tự như Angel di Maria là tiền đạo người Chile Alexis Sanchez - một ngôi sao thực thụ ở tất cả các đội bóng mà anh đã và đang thi đấu, ngoại trừ MU.
 
Đáng tiếc nhất là trường hợp của thủ thành Sergio Romero. Mặc dù là thủ môn số 1 của tuyển Argentina và đến MU ở độ tuổi “chín” nhất của sự nghiệp, nhưng 5 năm qua, anh chỉ đóng vai trò dự bị cho David De Gea ở MU. Hiện nay, ở tuổi 33, thật khó để Sergio Romero tìm kiếm vinh quang ở một CLB mới.
 
Dù sao thì, “lời nguyền” thất bại ở Old Trafford đối với các cầu thủ Nam Mỹ không phải lúc nào cũng đúng. Ít ra thì Cavani và Telles cũng còn có tấm gương của Carlos Tevez, Antonio Valencia hay Gabriel Heinze - “Cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải 2004-2005” của MU, để học tập và tin tưởng.
 
Tuy nhiên, một “Quỷ đỏ” vừa lủng củng ở thượng tầng, vừa thiếu “Quỷ đầu đàn” trên sân bóng, thật khó để người hâm mộ có thể kỳ vọng vào một sự thay đổi bước ngoặt từ những nhân tố mới.
 

 
X